Nhà cổ Tấn Ký và câu chuyện kì thú về chiếc chén độc nhất vô nhị Việt Nam
Trải qua hàng trăm năm lịch sử thăng trầm, nhà cổ Tấn Ký với vẻ đẹp vượt thời gian là điểm đến hàng đầu với mỗi du khách khi đến với phố cổ Hội An. Cùng Tiên Phong Travel khám phá nét bản sắc Hội An qua nếp nhà cổ kính này nhé.
Giới thiệu khái quát
Nhà cổ Tấn Ký tọa lạc tại số 101 Nguyễn Thái Học, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ngôi nhà được xây dựng cách đây gần 200 năm vào năm 1741 tức là vào cuối thể kỉ thứ 18 có kiến trúc đặc trưng của loại nhà phố ở Hội An. Ngôi nhà là nơi sinh sống của 7 thế hệ con cháu nhà họ Lê. Đến đời thứ 2, các cụ lấy tên hiệu là Tấn Ký để kinh doanh, buôn bán nông sản. Tên nhà cũng ra đời từ đó.
Kiến trúc đặc sắc
Ngôi nhà mang kiến trúc hình ống đặc trưng của đô thị cổ, khắp nơi đều không có cửa sổ, nơi đón ánh sáng duy nhất của ngôi nhà là "giếng trời" ở khu vực giữa gian nhà. Mặt trước ngôi nhà thông ra phố Nguyễn Thái Học để mở hiệu buôn, mặt sau thông ra phía bờ sông, trên phố Bạch Đằng để thuận tiện cho việc nhập hàng hóa.
Ông Lê Dũng (62 tuổi, hậu duệ đời thứ 6 của họ Lê), người tiếp quản và trông coi ngôi nhà chia sẻ: “Phải mất 10 năm trữ gỗ, 3 năm đục đẽo, ngôi nhà mới được dựng xong vào năm 1741 cuối thế kỷ 18. Ngôi nhà có vật liệu trang trí nội thất chủ yếu là các loại gỗ quý, được trạm trổ rất tinh xảo; các hình rồng, hoa quả…”
Năm 1964, nhà cổ Tấn Ký phải hứng chịu trận lụt lịch sử, toàn bộ tầng một bị ngập chìm trong nước lũ. Tuy nhiên, Tấn Ký cùng nhiều ngôi nhà cổ khác như nhà thờ tộc Trần vẫn vẹn nguyên như thách thức với thời gian.
Mặc dù trải qua nhiều biến động như vậy nhưng ngôi nhà cổ này vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn những giá trị cả về kiến trúc và văn hóa, thể hiện sự sung túc của các thế hệ chủ nhân. Đến nay chủ nhà vẫn giữ cách bày trí nội thất và sử dụng các vật dụng cổ kính có từ thời xưa. Nhiều vật chứng của thời kỳ thương mại phồn thịnh ngày xưa và sự giao lưu văn hoá giữa các dân tộc Hoa - Nhật - Việt rất phổ biến trong giai đoạn sau thế kỷ 17 hiện vẫn được lưu giữ ở đây.
Hiện nhà cổ Tấn Ký còn lưu giữ được nhiều hoành phi, liễn đối, trong đó có nhiều bức tuyệt đẹp như: "Tích đức lưu tôn" (dạy bảo con cháu giữ đức tốt cho thế hệ sau); "Tâm thường thái" (giữ tâm luôn yên tĩnh).
Trong ngôi nhà còn có bản trích dịch Văn bia tại mộ ông Lê Tấn Ký, người thành lập Hiệu buôn Tấn Ký. Văn bia tóm lượt câu chuyện lay động lòng người về cậu bé Công mồ côi nhờ ý chí tự lập mà trở thành người có danh vọng, thương yêu, giúp đỡ người nghèo, được nhân dân trong vùng quý mến.
Câu chuyện về chiếc chén độc nhất Việt Nam
Ngoài kiến trúc giao thoa rất cổ kính, du khách khi tới đây còn bị ẩn tượng bởi nhiều cổ vật quý hiếm. Trong đó chiếc chén Khổng Tử là một bảo vật quý hiếm duy nhất ở Việt Nam. Theo lời giới thiệu của nhưng hậu thế Lê tộc, chiếc chén được cụ tổ sưu tầm từ những thương lái người Hoa cách đây hơn 200 năm trước. Sự đặc biệt của chiếc chén nằm ở cấu trúc rất lạ. Chén chỉ giữ nước khi rót đến 8 phần, còn nếu rót thêm thì nước sẽ tự chảy đi hết qua một lổ nhỏ dưới đáy. Nhìn qua chiếc chén không có điểm gì xuất sắc nhưng ẩn chứa bên trong là cả một triết lí sống được gửi gắm rất ý nghĩa.
Tương truyền xa xưa, Khổng Tử trong một lần đi qua sa mạc đã rơi vào cảnh nguy kịch do kiệt sức vì đói, khát. Bỗng nhiên, ông gặp một ông lão và được dẫn tới một ao nước, cho một cái chén để múc nước uống. Trong cơn khát, “Khổng Tử” vội múc một chén nước đầy nhưng vừa đưa đến miệng thì nước chảy sạch đi không còn giọt nào. Sau vài lần như thế, ông đã ngộ ra rằng muốn uống được nước thì chỉ múc lưng chừng. Về sau, thuyết Trung dung của Khổng Tử đã hình thành, chủ trương con người phải biết kiềm chế hành vi, giữ mình ở trạng thái trung hòa, không thái quá. Nội dung thuyết này khá khó hiểu với người đời, nên các môn đệ của ông đã làm ra chiếc chén không đầy như trên để người đời dễ hiểu và làm theo.
Dù không phải là ngôi nhà có tuổi đời lâu nhất nhưng Tấn Ký lại là ngôi nhà cổ đầu tiên được cấp bằng di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1990 và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ngôi nhà cổ này thường hân hạnh đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, chính khách trong và ngoài nước. Nhiều đoàn làm phim trong nước, quốc tế cũng từng chọn bối cảnh ngôi nhà cổ này để đóng phim.
Khi đi du lịch Hội An - Đà Nẵng, sẽ thật thiếu sót khi bạn không ghé thăm ngôi nhà cổ Tân Ký hơn 200 tuổi này. Hãy tới đây cùng Tiên Phong Travel để tận mắt chiêm ngưỡng kiến trúc đậm chất Á Đông huyền bí cùng chiếc chén độc nhất Việt Nam nào.
Tin liên quan
Kinh nghiệm phượt Mộc Châu 2018: Khám phá cao nguyên xinh đẹp trong tầm tay
May 31,2018Mộc Châu luôn là điểm hẹn của rất nhiều ...
Top 9 địa điểm "vàng" để bạn thỏa sức "tung hoành" trong mùa hè rực cháy 2018
May 31,2018Bạn là “tín đồ dịch chuyển”, muốn khám ...
Tuyển tập 63 món ăn ngon tại Hà Nội nhất định phải thử khi du lịch thủ đô
May 31,2018Để bạn khỏi bỡ ngỡ trước câu hỏi: "Du ...
Nhà thờ tộc Trần - Tìm hiểu ngôi nhà cổ 200 tuổi ở Hội An
May 31,2018Tọa lạc tại số 20 đường Lê Lợi, thành ...