Hà Giang – Miền thương nhớ

Hà Giang – Miền thương nhớ

October 09,2020 Cẩm nang du lịch

Hà Giang - miền địa đầu cực Bắc của Tổ quốc – vùng đất hoang sơ nhưng hùng vĩ, mùa nào cũng đáng đi để trải nghiệm, khám phá và chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tráng lệ như bức họa thiên nhiên tuyệt tác. Đường lên Hà Giang gập ghềnh qua những con đèo huyền thoại, bù lại, không gian kỳ vĩ của cao nguyên đá dường như bất tận đưa du khách vào miền thương nhớ.

Hãy cùng Tiên Phong Travel đến Hà Giang để hòa mình vào cuộc sống đồng bào dân tộc hồn hậu ấm áp tình người, trải nghiệm văn hóa đặc sắc, ẩm thực độc đáo.

Đi tới những đâu?

1. Cao nguyên đá Đồng Văn

Nói đến Hà Giang, không thể không nhắc đến cao nguyên đá Đồng Văn – một đặc trưng tạo cho Hà Giang sự khác biệt không nơi nào có được. Một vùng đá cổ vào bậc nhất của trái đất đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 12 năm 2010.

ha giang
Cao nguyên đá Đồng Văn

2. Dinh thự họ Vương – kỳ quan giữa lòng cao nguyên

Nổi lên như viên ngọc xanh giữa lòng cao nguyên đá – dinh thự họ Vương được bao quanh bởi hàng cây sa mộc, được bảo tồn một cách nguyên vẹn sau bao thăng trầm lịch sử, mưa gió dập vùi, chứa đựng câu chuyện vô cùng hấp dẫn về một thời kỳ lịch sử. Tại đây, thuyết minh viên tại điểm sẽ đưa du khách quay ngược lại thời gian hàng trăm năm trước – thời kỳ quyền lực nhất của vua Mèo Vương Chính Đức (nếu có cơ duyên, du khách sẽ được cháu nội vua Mèo trực triếp hướng dẫn trong quá trình thăm dinh thự).

Dinh thự họ Vương được khởi công năm 1898 và hoàn thành 10 năm sau đó với tổng kinh phí lên đến 150.000 đồng bạc trắng (tương đương 150 tỷ đồng Việt Nam bây giờ). Mỏm đồi hình mai rùa quý hiếm cùng những dãy sa mộc vươn cao mạnh mẽ đã mọc lên một ngôi nhà hình chữ “Vương” sừng sững như in dấu giữa trời xanh.

ha giang
Dinh thự Họ Vương

3. Cột cờ Lũng Cú - “Nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên của bản đồ Tổ quốc”

Cột cờ Lũng Cú – “nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên của bản đồ Tổ quốc”, mà bất kỳ ai là con Lạc cháu Hồng đều muốn được chinh phục một lần điểm cực Bắc thiêng liêng này.

Quãng đường 1,5 cây số lên cột cờ Lũng Cú, vượt qua 389 bậc thang đá và leo thêm 140 bậc thang xoắn ốc ngay trong lòng cột cờ, ta sẽ đặt chân được tới đỉnh cột cờ Lũng Cú, Hà Giang - điểm cực bắc của Tổ quốc. Nơi có lá cờ đỏ sao vàng có diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, phần phật tung bay trong gió.

ha giang
Cột cờ Lũng Cú

4. Con đường Hạnh phúc - 50 năm con đường của máu và hoa

Con đường dài khoảng 200 km này được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959 - 1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng. Mã Pì Lèng được xem là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam, bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ và Pha Đin.

ha giang
Con đường Hạnh phúc 

5. Đèo Mã Pì Lèng – “Sống mũi ngựa”

Lấy cảm hứng từ câu “Bất đáo trường thành phi hảo hán” (chưa đến Vạn Lý trường thành chưa phải là hảo hán) - trước không gian mang tầm đệ nhất hùng quan, những cung đường hiểm trở có một không hai như đèo Mã Pì Lèng - dân phượt đã cải biên thành “Bất đáo Pì Lèng phi phượt thủ” (chưa đến Pì Lèng chưa phải là phượt thủ), và xem như tôn chỉ

Mã Pì Lèng có nghĩa là “Sống mũi ngựa” theo tiếng địa phương, nhưng hiểu theo nghĩa bóng, tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến thì tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Tuy nhiên, theo một số người Mông bản địa thì tên đúng của đèo là Máo Pì Lèng, nghĩa là “sống mũi mèo”.

ha giang
Đèo Mã Pì Lèng

6. Phố cổ Đồng Văn –phố núi giữa tứ bề núi đá

Thị trấn Đồng Văn nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc. Trước đây khu phố cổ chỉ có vài chục nóc nhà nằm nép vào nhau dưới núi đá. Buổi sớm, bức tranh phố cổ là sự pha trộn của màu nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ.

Ngày nay, Đồng Văn là thị trấn đông đúc, quy tụ dân du lịch khi đến Hà Giang, nhất là vào những ngày cuối tuần.

Đến đây, du khách có cơ hội thưởng thức café Phố cổ trong những quán café mang đậm phong cách giao thoa bản địa và Trung Quốc . Trong tiết trời se lạnh, ngồi xuống 1 quán nước ven đường, thử thưởng thức 1 của khoai nướng, 1 quả trứng nướng rồi kết thúc bằng 1 bát chè nóng… hít hà cái hơi nóng bốc lên mới cảm nhận hết được cái không khí của vùng cao nguyên đá.

ha giang
Phố cổ Đồng Văn

7. Cổng trời Quản Bạ

Cổng trời Quản Bạ cao 1.500m so với mặt biển, đây là cửa ngõ đầu tiên lên cao nguyên Đồng Văn. Năm 1939, một cánh cửa khổng lỗ bằng gỗ nghiến dày 150cm được dựng ở ngay Cổng trời. Một thời, sau cánh cửa gỗ này là một “thế giới” khác – còn gọi là “Vùng tự trị của người Mèo”, gồm các huyện Quản Bạ, Mèo Vạc,Yên Minh và Đồng Văn.

ha giang
Cổng trời Quản Bạ

8. Núi Đôi Quản Bạ - “tòa thiên nhiên” độc đáo

Núi Đôi Quản Bạ có hình dáng tròn trịa, đầy quyến rũ, trông giống như bộ ngực căng tròn của nàng tiên đang say giấc nồng. Giữa những núi đá trùng điệp và ruộng bậc thang nổi lên hai trái núi có hình dáng, thế đứng ngồ ngộ khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hóa.

ha giang
Núi đôi Cô Tiên

9. Làng văn hóa Lũng Cẩm - Bối cảnh trong phim “Chuyện của Pao”

Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm thu hút nhiều nhà nhiếp ảnh, nhà làm phim và là nơi khởi nguồn sáng tác cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. Trong đó, điển hình, làng Lũng Cẩm đã được chọn làm bối cảnh trong phim nhựa “Chuyện của Pao”, bộ phim này đã đạt giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam. Hiện nơi đây là một trong những điểm cực kỳ thu hút khách du lịch, nhất là giới trẻ.

ha giang
Nhà của Pao

10. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Không ai biết đồng bào các dân tộc ở Hoàng Su Phì mất bao nhiêu lâu để biến những ngọn núi đất thành những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Chỉ biết rằng, ruộng bậc thang đã được đồng bào khai thác từ hàng trăm năm nay, Ruộng bậc thang cũng đánh dấu quá trình định canh định cư, đem lại cuộc sống ấm no hơn cho các hộ gia đình.

Đến đây, bức họa thiên nhiên của các thửa ruộng loang loáng nước như những mặt gương soi vào mùa nước đổ, hay thảm lúa chín vàng óng mượt chập trùng như những bậc thang sẽ khiến du khách “quên lối về” bởi vẻ đẹp đầy mê hoặc.

Danh thắng ruộng bậc thang đã được công nhận là di tích cấp quốc gia, được khai thác du lịch theo hướng tạo dựng thương hiệu gắn với di sản.

ha giang
Hoàng Su Phì

Đi Hà Giang thời điểm nào?

1. Tháng 1, tháng 2 say lòng với hoa đào, hoa mận, hoa cải vàng nở rộ

Mùa xuân đến, khắp nơi từ Quản Bạ (Quyết Tiến, Minh Tân), Yên Minh (Lao Và Chải, Na Khê, Bạch Đích), Đồng Văn (Phó Bảng, Phố Cáo, Sủng Là, Sà Phìn, Thài Phìn Tủng), Mèo Vạc (Sủng Trà, Sủng Trái, Lũng Phìn), nơi nơi là đào, mận, cải khoe sắc cùng với nền đá đen của cao nguyên đá, với những nếp nhà trình tường độc đáo…

ha giang

2. Tháng 4 với Chợ tình Khâu Vai

Cứ ngày 27/3 âm lịch hàng năm, từ khắp các nẻo đường chênh vênh trên núi cao, những người dân trong trang phục của dân tộc mình đã ríu ran, rộn ràng xuống chợ, để tham gia Chợ tình Khâu Vai, mỗi năm chỉ có một lần.

ha giang

3. Tháng 5 với mùa nước đổ ải

Mùa nước đổ thì đa phần ruộng Tây Bắc đổ ải vào tầm tháng 5 - 6, ít nơi tháng 7, một vài thửa có thể tích nước từ tháng 4; nhưng đẹp nhất vẫn là lúc đang cấy dở, tầm tháng 5 - 6.

ha giang

4. Tháng 9, 10 với mùa lúa chín

Mùa lúa chín thường bắt đầu vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch. Khi những thửa ruộng bậc thang ngả sang vàng rực cùng mùa lúa, là lúc khung cảnh kỳ vĩ của núi rừng thêm một lần đổi mới.

ha giang

5. Tháng 11 với mùa hoa tam giác mạch

Tam giác mạch, loài hoa đặc trưng của cao nguyên đá Hà Giang với những bông hoa nhỏ li ti phơn phớt tím hồng hút hồn những người yêu hoa và mê chụp ảnh.

Mảnh đất Hà Giang với màu xám của đá núi và màu hồng của hoa tam giác mạch. Màu xám sắc lạnh của lý trí và màu hồng kỳ diệu của giấc mơ. Sự đối lập kịch liệt lại hài hòa tuyệt đối trong một tổng thể... tạo nên vẻ đẹp vô song của Hà Giang.

ha giang

6. Tháng 12 với tuyết rơi

Trên địa bàn huyện Mèo Vạc, thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn, nhiều địa điểm có tuyết rơi trắng trời vào cuối tháng 12, du khách sẽ được thưởng thức khung cảnh có một không hai trong năm.

ha giang

Ẩm thực Hà Giang

1. Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn

Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn - Hà Giang là một món ăn độc đáo, khác xa so với những món đặc sản khác ở Hà Giang. Đây là món ăn mà du khách thường lựa chọn cho bữa sáng khi tới Hà Giang du lịch. Một “món lạnh” được ăn cùng bát nước lèo ninh xương nóng hổi, bạn sẽ cảm thấy ấm bụng hơn trong thời tiết se lạnh ở vùng cao nguyên đá này.

ha giang

2. Thắng dền

Một lần đến Mèo Vạc, bạn hãy thử nếm bánh thắng dền, thưởng thức liền 2 - 3 viên bánh nhỏ xinh một lúc, ngậm trong miệng và cảm nhận vị dẻo dai của bột nếp hòa quyện cùng vị cay se se của gừng, dậy mùi thơm của vừng lạc.

ha giang

3. Cơm lam Bắc Mê

Cơm lam Bắc Mê là thức quà dân dã đồng thời là món ăn phổ biến của nhiều đồng bào dân tộc ở Tây Bắc, được làm từ gạo nếp nương, rồi nướng trong một ống tre nứa, dài. Vị cơm lam thơm và ngọt, ăn dẻo và bùi bùi.

ha giang

 

4. Hồng không hạt

Hồng không hạt được trồng nhiều ở vùng Quản Bạ nên người dân nơi đây vẫn gọi là hồng Quản Bạ. Giống hồng này thường có vào khoảng mùa Thu - Đông, từ tháng 8 - 11 hàng năm.

ha giang

5. Cam sành

Loại cam sành ở Hà Giang có vị thơm, vị mát và có chứa nhiều lượng vitamin cần thiết cho cơ thể. Cam được thu hoạch vào khoảng tháng 11, 12.

ha giang

6. Lợn “cắp nách”

Lợn cắp nách là đặc sản nổi tiếng của vùng cao nguyên đá Hà Giang. Với đặc điểm thịt chắc, ăn nạc, thơm và ngon mà món đặc sản này đã nhận được sự yêu thích của khách du lịch tới đây. Đây cũng được xem là một nét độc đáo trong cách chăn nuôi của đồng bào dân tộc Hà Giang.

ha giang

7. Trà Shan tuyết

Cây chè Shan Tuyết được trồng ở khắp các huyện của Hà Giang, nhiều nơi có cây cổ thụ cao tầm 300 – 1000m, được phát triển tự nhiên. Trà được thu hoạch 4 vụ trong năm nên du khách đến Hà Giang vào thời điểm nào cũng có thể thưởng thức hương vị thơm ngon của trà Shan tuyết.

ha giang

8. Mật ong bạc hà

Mật ong bạc hà là đặc sản dân dã quý hiếm và được nhiều người ưa chuộng nhất khi đến Hà Giang. Mật ong bạc hà có vị ngọt thanh, dịu nhẹ và thoảng mùi hương hoa bạc hà có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe của con người.

ha giang

9. Gà xương đen

Gà xương đen không tanh do lượng sắt ít và chúng thường được chế biến chung cùng những loại thuốc Bắc, nấm và sâm, vừa để ăn trong bữa ăn mỗi ngày vừa làm thuốc luôn. Với đặc sản gà xương đen như một bài thuốc quý có khả năng chữa trị nhiều bệnh thì món ăn này sẽ ngày càng được yêu thích hơn.

ha giang
Các món đặc sản chế biến từ gà xương đen của Hà Giang

10. Thắng cố Đồng Văn

Mùi thơm của thảo quả, hạt dổi và củ sả, quyện với vị béo ngậy của thịt làm ấm lại không gian giữa tiết trời se lạnh. Đàn ông Mông đi chợ Đồng Văn đều mong được ăn một bát thắng cố, uống vài bát rượu với bạn bè. Người ta quan niệm ai có nhiều bạn thì người ấy được mời nhiều rượu. Người nào say khi về chợ là người tốt phúc…, tuy nhiên,đến đây du khách không nên quá sa đà bởi có thể bỏ lỡ những cơ hội trải nghiệm khác.

ha giàng

11. Cháo ấu tẩu

Bát cháo ấu tẩu nhìn rất hấp dẫn bởi sự kết hợp hài hòa giữa gạo, thịt băm, nước xương, rau thơm… Nấu được bát cháo ấu tẩu thực không đơn giản. Củ ấu sau khi ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm rồi đem hầm trong vòng 4 tiếng. Gạo nếp cái hoa vàng được trộn với gạo tẻ thơm nấu nhuyễn trong nước hầm xương chân giò và bột củ ấu. Thêm chút thịt nạc băm nhỏ, chút gia vị phụ thêm nữa. Cháo khi ăn có vị đắng nên nhiều người gọi là cháo đắng.

ha giang

12. Mèn mén Hà Giang

Sau vụ thu hoạch ngô được phân loại, phơi khô cả vỏ đưa lên gác xép, xếp thành hàng, để dùng dần. Ngô được tẽ ra, quạt sạch rồi say nhỏ bằng cối đá. Xay ngô đòi hỏi sự công phu và tốn thời gian. Khi xay phải có hai người, một người kéo tràng, một người đứng bỏ hạt. Ngô xay ra đảm bảo nhỏ hơn hạt tấm, đều để dễ đồ. Khi đồ cho bột ngô vào chõ, rắc đều một chút nước đậy kín, đặt lên chảo nước rồi đun chờ có mùi thơm toả ra là cơm chín. Cẩn thận hơn, người ta làm đồ hai lượt. Lượt thứ nhất chưa chín hẳn. Đổ ra xảo, đánh tơi, chờ nguội bớt, rồi rẩy chút nước, cho lại vào chõ đồ lượt thứ hai. Cơm bột ngô hấp người ta quen gọi là mèn mén.

ha giang

13. Bánh tam giác mạch

Để làm được chiếc bánh thơm ngon như vậy, người dân phải thực hiện qua nhiều công đoạn. Trước tiên, hạt tam giác mạch phải được phơi khô đủ độ rồi đem đi xay bằng tay. Quá trình xay cũng cần sự khéo léo để ra mẻ bột thật mịn, đều tránh bị lợn cợn sau khi chế biến. Người ta nhào bột đã xay với nước rồi đóng thành khuôn, đem đi nướng.

ha giang

14. Rêu nướng

Các món ăn được chế biến từ rêu đá còn được gọi là quẹ. Đây là một món ăn vừa ngon, vừa bổ, lại có hương vị rất riêng.Theo người dân địa phương, khi đi tìm rêu, họ thường chọn những bãi rêu lớn, bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Rêu tươi đem về được vò đập thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, sau đó có thể chế biến thành nhiều món.

Ngoài việc chế biến rêu tươi, đồng bào còn phơi khô rêu, cất lên gác bếp để làm món ăn dự trữ. Chỉ khách quý mới được đãi món rêu khô trên gác bếp.

ha giang

Nguồn ảnh: Sưu tầm

>>> Xem chi tiết tour Hà Giang tại đây: https://tptravel.com.vn/ha-noi-ha-giang-ha-noi-td811.html

 

Thong ke

Tin liên quan

Liên hệ